Brainstorm – Nghĩ đúng, hiểu đúng, làm đúng
100% chúng ta từng nhìn thấy chữ brainstorm (tính cả lần này)
80% chúng ta hiểu về brainstorm
50% chúng ta từng tham gia brainstorm
10% chúng ta từng lãnh đạo buổi brainstorm
Nhưng bao nhiêu % chúng ta brainstorm hiệu quả và đúng cách?
Hãy cùng TYM nghĩ đúng, hiểu đúng và làm đúng để phát huy tối đa sức mạnh của brainstorm nhé!
Nhiều người đã cố gắng dịch nghĩa thuật ngữ này bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như “động não”, “luyện não công”, “tập kích não”… Riêng đối với TYM, cách dịch nghĩa chính xác nhất là không dịch gì cả, hãy cứ gọi là brainstorm khi muốn đề cập tới brainstorm. Vì sao ư? Vì chúng ta tôn trọng tác giả Alex Osborn, người đã đặt nền móng cho kỹ thuật tìm kiếm ý tưởng rất hiệu quả này. Nếu đây là tên gọi của một phương pháp giải quyết vấn đề do ông nghĩ ra và phát triển thì chúng ta không có lý do gì phải đặt một cái tên khác cho nó. Càng tồi tệ hơn nếu ta lại đặt sai tên, vì rất khó tìm được một từ tiếng Việt chuyển tải đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa của thuật ngữ này. Hãy xem ông định nghĩa thế nào nhé, brainstorm là kĩ thuật hội ý do một nhóm người thực hiện nhằm tìm ra lời giải cho vấn đề nào đó bằng cách góp nhặt tất cả ý kiến của nhóm người này nảy sinh trong cùng một thời gian theo một nguyên tắc nhất định. Nghe học thuật quá phải không! Hiểu một cách “bình dân học vụ” hơn, brainstorm là trao đổi và chia sẻ ý tưởng giữa mọi người, hoặc là một buổi vay mượn ý tưởng của nhau.
Brainstorm – 5 phút hỏi gì đáp nấy
- Bao nhiêu người tham gia brainstorm là vừa?
Con số lý tưởng là từ 6 đến 10 người. Nếu ít hơn sẽ khó mà thành lập một ngân hàng ý tưởng đa dạng. Còn lớn hơn 10 thì không khéo biến thành cái chợ mất, ý tưởng đánh nhau chan chát ấy chứ.
- Nên brainstorm trong bao lâu?
Cái này phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vấn đề, nhưng thông thường thì 2 tiếng là đủ. Một buổi brainstorm ngắn gọn nhưng hừng hực khí thế thì hiệu quả hơn nhiều so với buổi brainstorm dài lê thê mà ai cũng uể oải.
- Có mấy giai đoạn trong 1 buổi brainstorm?
Có hai giai đoạn, một là huy động ý tưởng và hai là chấm điểm, đánh giá ý tưởng để rồi bầu chọn ý tưởng xuất sắc nhất. Ở giai đoạn đầu tất cả các ý tưởng đều phải được nhiệt liệt hoan nghênh và ghi chép lại cẩn thận. Tới giai đoạn sau bạn mới đem từng cái ra mổ xẻ và phân tích kỹ lưỡng.
- Làm thế nào để ghi chép ý tưởng?
Cách làm truyền thống là viết thành sơ đồ hình cột hoặc chia nhánh và đánh số thứ tự. Nhưng có một cách được ưa chuộng hơn cả là ghi từng ý tưởng vào từng tờ giấy take-note. Còn cách thứ ba là sử dụng phần mềm, một người sẽ đánh ý tưởng vào máy tính để rồi sau đó chiếu lên màn hình rộng cho mọi người cùng xem.
- Dựa vào tiêu chí nào để đánh giá ý tưởng?
Trước khi tiến hành brainstorm bạn cần đưa ra tiêu chí rõ ràng để lựa chọn ý tưởng, thông thường tiêu chí là bạn phải trở thành FAN hâm mộ của ý tưởng đó, nghĩa là ý tưởng phải Feasible, Attractive and Novel (khả thi, hấp dẫn và mới lạ)
Brainstorm – step by step
Pre-brainstorm, bạn cần chuẩn bị những gì?
Nhân lực:
Trước hết phải chọn leader tốt, một người luôn giữ được thái độ trung lập, khách quan, biết cách khích lệ tinh thần cũng như kích thích trí sáng tạo của các thành viên. Khi chọn thành viên tham gia thì cố gắng đảm bảo cơ cấu càng đa dạng càng tốt. Nếu một nhóm mà toàn những người “cùng nhìn về một hướng” thì chắc chắn ý tưởng “bé” sẽ gặp nhau.
Dữ liệu:
Để tất cả các thành viên trong nhóm hiểu rõ mục tiêu và brainstorm đúng hướng, leader phải thu thập những thông tin cơ bản, cần thiết liên quan tới vấn đề. Cụ thể đó là thông tin nào, hãy nhớ lại nguyên tắc “1 chồng 5 vợ” (1 Husband 5 Wives) và trả lời các câu hỏi How – What – Who – When – Where – Why.
Công cụ hỗ trợ:
Hãy chuẩn bị thật nhiều giấy sticker để mọi người ghi ý tưởng lên trong quá trình brainstorm. Giấy càng màu mè sặc sỡ càng tốt vì điều này sẽ kích thích trí sáng tạo và khơi dậy cảm xúc “dạt dào” bên trong mỗi người. Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm nhiều mẫu print ad hay TVC thật sáng tạo để mọi người cùng xem cho “đã” mắt và khơi nguồn cảm hứng brainstorm.
Bắt tay vào Brainstorm
Xin mời các bạn “cận mục sở thị” một buổi brainstorm của Tym tại quán Hub cà phê nhé:
Leader Sơn phổ biến nội dung buổi brainstorm và tóm tắt thông tin trong bản Brief (hình)
Phát giấy sticker cho mỗi người (hình)
5 phút để ghi ý tưởng lên giấy sticker (hình)
Dán tất cả sticker lên tường (hình)
Sắp xếp sticker vào các nhóm cùng chủ để theo hàng dọc (hình)
Đánh giá các ý tưởng (hình)
Lựa chọn ý tưởng hay nhất (hình)
Các cách phá hỏng một buổi brainstorm
Bạn muốn phá hỏng buổi brainstorm ư, hãy cứ áp dụng một trong những cách “hiệu quả” dưới đây nhé:
- Các thành viên chỉ trích ý tưởng của nhau: một người vừa đưa ra ý tưởng đã bị leader hay thành viên khác phản bác, chê bai thì người đó sẽ nhanh chóng cụt hứng, mặc cảm rằng mình thật kém cỏi, hoặc nảy sinh tâm lý ghen ghét, bới móc các ý tưởng khác…Nếu leader để cho tình trạng này xảy ra thì buổi brainstorm cầm chắc thất bại rồi đó.
- Trong nhóm chỉ vài người đưa ra ý kiến, số còn lại ngồi chơi: mục đích của brainstorm là huy động sức mạnh của tập thể, khai thác vấn đề dưới nhiều góc độ, cách nhìn khác nhau. Thế mà trong nhóm có những người lười suy nghĩ, để mặc cho một số thành viên.
- Không ghi chép lại tất cả các ý tưởng: Một ý tưởng dù là tầm thường hay điên rồ cũng đều có giá trị riêng của nó. Không nên bỏ qua bất kỳ ý tưởng nào vì trong rất nhiều trường hợp, một ý tưởng hay lại bắt ngồn từ một ý tưởng dở hoặc là sự kết hợp của nhiều ý tưởng đã có. Đi ngược lại điều này thì sẽ khó brainstorm ra được idea xuất sắc đấy.
- Chọn nhầm không gian và thời điểm brainstorm: hãy chọn một quán cà phê náo nhiệt bật nhạc ầm ỹ hoặc thời điểm là 12 giờ trưa khi cái bụng biểu tình đòi ăn mà brainstorm, hiệu suất làm việc của cả nhóm sẽ tiến gần tới 0 đấy.
Brainstorm đi vào bế tắc, phải làm sao đây?
Khi không khí bỗng dưng “xìu” xuống, mọi người vò đầu bứt tai mà chẳng nghĩ ra được ý tưởng nào hay ho, vậy là đến lúc người leader phải dùng tới kỹ thuật “warm-up” để làm cho ai nấy tỉnh cả người và lấy lại tinh thần, dũng khí. Hãy cho mọi người cùng chơi một số game sáng tạo, đơn giản thôi nhưng cực kỳ hiệu quả. Chẳng hạn như game Đồ vật cũ, công dụng mới dưới đây:
Hãy chọn một đồ vật bất kỳ xung quanh, đặt lên bàn và yêu cầu mỗi người nhìn vào nó sau đó nghĩ ra ít nhất 3 công dụng mới. Thời gian suy nghĩ không nên quá lâu mà chỉ cần 3 đến 5 phút là được. Chẳng hạn như với một chiếc đũa, sau 5 phút cả nhóm sẽ brainstorm ra được bao nhiêu công dụng cho nó?
VânTym: vật búi tóc, que chỉ khi đứng thuyết trình, thước kẻ
ThyTym: dùng để khều hay với đồ trên cao, làm xoăn tờ giấy hay sợi dây bằng cách cuốn xung quanh cây đũa, ngoáy ly nước khi hòa tan muối hay đường
ThảoTym: dùng để đo các đoạn bằng nhau khi cắt đồ, tập giữ thăng bằng khi đặt đũa lên một ngón tay, “chơi nhạc” bằng cách gõ gõ vào đồ vật khác tạo âm thanh
Với trò chơi này, mọi người sẽ được giải thoát khỏi vấn đề bế tắc trong vài phút và hướng sự tập trung sang vấn đề mới. Đây là một cách thay đổi không khí và làm cho đầu óc bớt căng thẳng hơn.
Có một phương pháp thoát khỏi bế tắc khá hiệu quả khác, đó là “brainstorm ngược”. Thay vì trả lời câu hỏi “Làm thế nào để khắc phục vấn đề này?” thì bạn hãy thử trả lời câu hỏi ngược lại “Có những cách nào để làm cho vấn đề trầm trọng hơn?”. Hãy lật ngược lại vấn đề, tìm cách giải quyết và sau đó lật ngược lại những cách giải quyết đấy, biết đâu bạn lại tìm được ý tưởng khả thi, hấp dẫn và mới lạ!
st