Facebook Graph Search - Cái nhìn tổng quan


Công cụ mới của Facebook đang thu hút sự chú ý lớn vì nó giúp người sử dụng mạng xã hội này tra cứu thông tin dễ dàng hơn trước, nhưng cách hoạt động của nó cũng khác xa so với cách tìm kiếm thông thường trên web.
Ngày 15.1, Facebook chính thức giới thiệu ứng dụng tìm kiếm mang tên Graph Search cho người dùng. Trước đây, công cụ tìm kiếm trên Facebook chỉ đơn giản cung cấp thông tin về tên thành viên hay trang riêng, nhóm thuộc mạng xã hội này và những kết quả còn lại trên mạng thì được dẫn từ dịch vụ Bing của Microsoft. Trong khi đó, Graph Search giờ đây cung cấp kết quả tìm kiếm nhấn mạnh vào thông tin cá nhân mà người dùng Facebook công khai để khai thác lợi thế mạng xã hội này đang có hơn 1 tỉ thành viên. Ví dụ, khi người dùng gõ đoạn từ khóa tìm kiếm là “những người bạn làm chung với tôi và thích bơi lội”, Graph Search kết nối nội dung các thành viên trong danh sách bạn bè trên Facebook để phân tích rồi cho kết quả. Tương tự, thành viên của mạng xã hội này cũng có thể tìm kiếm thông tin về những ý kiến, hình ảnh trên Facebook chia sẻ về một địa điểm du lịch nào đó. Ngoài ra, đối với những cụm từ khóa tìm kiếm khác trên mạng, Graph Search sẽ cung cấp kết quả dựa trên Bing như lâu nay. Đến nay, chỉ những ai đăng ký thì Facebook mới cho phép sử dụng bản dùng thử.




Hiện nay, Google là công cụ tìm kiếm dữ liệu phổ biến nhất đối với người dùng Internet. Tuy nhiên, một thực tế là khi gõ các từ khóa vào Google, người sử dụng hiếm khi nhận được kết quả trích xuất từ Facebook. Mạng xã hội này giống như một "ốc đảo" mà các dịch vụ tra cứu không thể lục lọi, khai thác.

Trong khi đó, Facebook lại là một kho thông tin đặc biệt phong phú, nơi hơn một tỷ người thường xuyên chia sẻ và cập nhật dữ liệu. Ở đó có 240 tỷ bức ảnh và một nghìn tỷ kết nối giữa các thành viên với nhau. Đó chính là nguyên nhân Graph Search ra đời.
CEO Mark Zuckerberg cho hay việc thống kê và hỗ trợ tra cứu lượng thông tin này thực sự là một thách thức bởi có rất nhiều nội dung được đưa lên không công khai (public) mà chỉ ở dạng chia sẻ giữa bạn bè (friend) của họ với nhau. Do đó, trong khi web search hiển thị mọi thứ có chứa từ khóa mà người sử dụng nhập vào thanh công cụ, thì Graph Search lại đưa ra kết quả cá nhân hóa, dựa trên bản đồ mối quan hệ của từng thành viên (Graph).

Graph Search có cách truy vấn tự nhiên, như người dùng có thể tìm kiếm với câu lệnh "những người bạn của tôi đang sống ở HCM" và hệ thống sẽ thống kê giúp họ những thành viên trong danh sách bạn bè đang ở thành phố này. Họ cũng có thể mở rộng hoặc thu hẹp kết quả tìm kiếm như "những người bạn của tôi sống tại HCM, đã có gia đình, thích nghe nhạc Ưng Hoàng Phúc, ..." và kết quả trả về phụ thuộc Friendlist của họ có người nào đáp ứng đủ "chỉ tiêu" như vậy không. Có nghĩa, trong khi một từ khóa nhập trên Google Search sẽ hiện thị kết quả giống nhau với mọi người dùng, thì kết quả đó lại khác nhau với mỗi người dùng Graph Search.

Các thành viên cũng có thể tra cứu ảnh theo cấu trúc "ảnh của tôi/bạn bè trước năm 2008", "những bức ảnh tôi đã bấm like"... Tuy nhiên, Graph Search tra cứu dựa trên "mối quan hệ" và "kết nối" nên hệ thống chưa thể truy vấn theo kiểu Google Search (như gõ 'cafe' để ra tất cả các status và ảnh chứa từ 'cafe'). Đây là điều Facebook đang tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới và khi đó Google mới phải lo ngại. Còn ở phiên bản đầu này, Graph Search tập trung vào 4 nhóm tìm kiếm: con người, ảnh, địa điểm và sở thích. Công cụ mới được cung cấp cho một nhóm người đăng ký dùng thử và sẽ sớm được triển khai ra diện rộng.

Mặc dù vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể để Facebook tích hợp Graph Search cho tất cả thành viên nhưng công cụ tìm kiếm này tạo ra vô số ý kiến trên thế giới ảo. Không ít cư dân mạng lẫn giới chuyên gia nhận định đây là một kế hoạch để Facebook tăng doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều thành viên cộng đồng mạng nhận định Facebook sẽ khó đạt thành công với kế hoạch này vì Graph Search khó có thể theo kịp Google. Nhận định trên trang Yahoo! phiên bản quốc tế, thành viên tên Ganesh viết: “Nếu cần tìm kiếm, tôi sẽ chọn Google. Facebook nên tập trung vào lĩnh vực chính của mình hơn là “bành trướng” sang các mảng mới”. Tương tự, cư dân mạng Heavy Rain nhận xét trên CNN: “Tôi đồng ý với Larry Page (nhà đồng sáng lập Google - NV) rằng các sản phẩm của Facebook đang sai đường”. Đây cũng là ý kiến của một số thành viên trên diễn đàn Tinhte, ví dụ như người có tên Michaelmanhhung đánh giá đầy châm biếm: “Vẫn không thể thay thế được Google. Cái này chắc hữu ích cho việc tán gái thôi”. Nhẹ nhàng hơn, BryanNagy nhận xét trên diễn đàn của CNET rằng: “Tôi nghĩ rằng đây là một công cụ thú vị nhưng nó sẽ không thể thay thế Google”.

Graph Search còn bị chỉ trích là xâm phạm thông tin cá nhân người dùng Facebook. Cư dân mạng có tên Incognito cảnh báo trên Yahoo! là: “Hãy cẩn thận với những gì bạn đưa lên Facebook. Quá nguy hiểm cho tất cả chúng ta”. Giống như vậy, bạn Shami đăng ý kiến trên Tinhte: “Càng ngày càng bá đạo, đã đến lúc hạn chế post like tùm lum trên Facebook rồi”. Vì thế, một số cư dân mạng cho rằng những người dùng Facebook sẽ hạn chế công khai thông tin vì lo sợ đời tư bị xâm phạm nên Graph Search khó cung cấp nhiều kết quả tìm kiếm hữu ích.

Thế nhưng, vẫn có nhiều người dùng tỏ ra hài lòng với công cụ tìm kiếm mới của Facebook. Trong đó có thành viên iBBphone của Tinhte nhận xét: “Công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội và những thứ liên quan đến các thành viên mạng này. Vẫn hữu dụng và khác biệt so với google”. Giữa hai làn ý kiến khen chê thì chỉ thời gian mới trả lời được liệu Facebook sẽ thành công với Graph Search hay không.

Liệu đây có phải là lúc các Seoer phải lo ngại chăng?
Tổng hợp từ nhiều nguồn

blog seo
BACK TO TOP