Tiền mười mua trải nghiệm năm xu


Trong khoảng hai năm trở lại đây, thị trường smartphone phát triển không ngừng, đặc biệt là các smartphone chạy hệ điều hành Android.

Trên toàn thế giới, doanh số smartphone nói chung trong quý II đã tăng 42,1% so với cùng kì năm ngoái (từ 108,3 triệu máy lên 153,9 triệu máy). Còn tại Việt Nam, tính trong 4 quý gần nhất, tuy suy thoái kinh tế đã làm thị trường điện thoại di động sụt giảm hơn 20% nhưng thị trường smartphone Android lại tăng trường hơn 30%.

Điều đó đã chứng minh một xu hướng mới trong nhu cầu về điện thoại di động: Xu hướng smartphone hóa, đặc biệt là smartphone Android do sự đa dạng về phân khúc và kho ứng dụng Google Play Store có nhiều nội dung miễn phí cho người dùng.

Trong xu hướng smartphone hóa, một bài toán khó vẫn đang tồn tại là: làm sao để mọi phân khúc người dùng (xét trên khía cạnh thu nhập) đều có thể tiếp cận xu hướng này? Làm sao để 80% người dùng Việt Namcó thu nhập không cao vẫn có cơ hội hòa mình vào xu hướng thông minh?

Với các thương hiệu quốc tế có sẵn trên thị trường, người tiêu dùng muốn sở hữu một chiếc smartphone phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ. Một chiếc smartphone tầm trung có cấu hình tạm ổn để trải nghiệm, mức giá sẽ dao động trong khoảng từ 4 - 5 triệu đồng nhưngphần lớn trong đó là giá trị thương hiệu hơn là giá trị trải nghiệm thực sự chiếc smartphone mang lại.

Những người có thu nhập khoảng 5 triệu/tháng khó có thể nhanh chóng quyết định mua một chiếc smartphone tầm trung như vậy vì nó bằng cả tháng lương, bằng nhiều khoản chi tiêu thiết yếu của họ trong tháng cộng lại. Vậy họ thực sự cần giá trị thương hiệu hay giá trị trải nghiệm đích thực của sản phẩm?

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều thương hiệu có giá trị rất lớn (thậm chí trị giá lên tới hàng tỷ USD như Walmart) nhưng sản phẩm của họ lại có mức giá “rẻ” và phù hợp với túi tiền đại đa số người tiêu dùng. Hay như tại Việt Nam, hệ thống siêu thị Big C định vị là “Giá rẻ cho mọi nhà” nhưng giá trị thương hiệu của họ không hề thấp.

Vậy giá trị thương hiệu thực sự của một sản phẩm là do mức giá quyết định hay do những trải nghiệm thực sự của người dùng quyết định? Tâm lý nhiều người tiêu dùng hiện tại vẫn cho rằng: điện thoại đắt tiền là hàng tốt, là hàng thương hiệu đẳng cấp và họ chấp nhận bỏ nhiều tiền để mua sản phẩm đó chỉ vì thương hiệu của nó.

Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ hiểu và tận dụng được hết sự trải nghiệm thật sự trong đó. Có bao nhiêu người thu nhập không cao phải nhịn ăn, dành dụm vài tháng lương để mua một chiếc smartphone hơn 7-8 triệu đồng và trải nghiệm được hết những tính năng thông minh của nó?

Hay câu chuyện một cậu bé nhà nghèo ở Trung Quốc bán thận chỉ để mua iPhone và iPad, mục đích của cậu là gì? Tại sao những người bỏ 7-8 triệu đồng mua điện thoại thương hiệu không chọn mua những chiếc điện thoại khoảng 4 triệu đồng có trải nghiệm tương đương, hay cậu bé bán thận ở Trung Quốc sao không quý trọng sức khỏe bản thân hơn việc sở hữu các sản phẩm của Apple? Phải chăng một bộ phận người dùng (đặc biệt là giới trẻ) đang lệch lạc trong chi tiêu?

Họ quan tâm quá nhiều đến sự bóng bẩy bề ngoài mà không màng đến những giá trị trải nghiệm cốt lõi bên trong. Trên thực tế, phân khúc người dùng có thu nhập khá trở lên thường ít cân nhắc đến giá trị trải nghiệm thực sự của sản phẩm. Tâm lý chung của họ là mua sản phẩm “có tiếng” cho yên tâm và khẳng định giá trị đẳng cấp bản thân dù phải trả những mức giá cao hơn nhiều giá trị của sự trải nghiệm.

Tuy nhiên, những người thu nhập không cao phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu lại lý trí và thực tế hơn trong việc cân nhắc lựa chọn. Đơn giản vì họ sẽ chỉ trả tiền cho sự trải nghiệm và giá trị thiết thực nhất. Hai phân khúc người dùng này luôn tồn tại song song. Và quyết định cuối cùng: “Nên mua giá trị thương hiệu hay trải nghiệm đích thực” sẽ tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu thực tế của mỗi người.

theo: doanhnhansaigon
blog seo
BACK TO TOP