blog marketing - Điểm mấu chốt cho hoạt động bền vững của doanh nghiệp không chỉ nằm ở việc vận hành hiệu quả guồng máy sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh việc giữ chân các khách hàng cũ, việc bổ sung những cái tên mới vào danh sách khách hàng đóng vai trò quyết định cho đầu ra của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, để nâng các mối quan hệ từ sơ giao đến tầm đối tác, các doanh nghiệp phải có bí quyết.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn hàng. Chất lượng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có thể rất tốt, nhưng không thể chỉ dựa vào quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt và khách hàng có quá nhiều lựa chọn như hiện nay.
Khi danh tiếng doanh nghiệp chưa được xác lập vững vàng trên thị trường, kinh phí cho các hoạt động quảng bá còn hạn hẹp, ngoài các phương thức tìm kiếm khách hàng thông thường, các doanh nhân hầu như phải dựa vào mạng lưới quan hệ xã hội của mình để cố gắng tìm cách chuyển các mối quan hệ sơ giao lên mức đối tác và bạn hàng.
Đa phần những người đứng đầu doanh nghiệp thường có nhiều mối quan hệ xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là ai trong mạng lưới quan hệ ấy cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách mua hàng hoặc trở thành bạn hàng tin cậy trong tương lai gần.
Trong các buổi gặp gỡ có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có bí quyết giao tiếp thì những cái bắt tay, vài câu thăm hỏi là không đủ để người đối diện có ấn tượng hoặc nghĩ ngay đến doanh nghiệp mỗi khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa hoặc tìm đối tác để phối hợp kinh doanh.
Tương tự, khi cần kíp, vô số danh thiếp nằm đầy trên bàn làm việc chưa chắc đã hữu dụng nếu người thu thập được không biết cách phân loại chúng sau mỗi cuộc gặp gỡ.
Bí quyết tạo và nâng tầm quan hệ
Ngoài những cách tìm kiếm khách hàng truyền thống từ danh bạ, các trang web thông tin thương mại, kênh bán hàng trực tiếp…, là lãnh đạo doanh nghiệp, bạn có thể có thêm được nhiều khách hàng tiềm năng thông qua việc tạo lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ của mình theo những cách dưới đây:
Tiếp cận đa phương diện trong tìm kiếm khách hàng
Doanh nghiệp có thể mở rộng tối đa các kênh tiếp cận đối tác và khách hàng, chẳng hạn nếu trong phương thức B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp), dựa vào tính chất của sản phẩm hoặc dịch vụ cần phân phối và đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp nhắm tới, bạn có thể tiếp cận các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, ban tổ chức hội chợ triển lãm… để có danh sách thành viên vì ở đó có thể có nhiều khách hàng tiềm năng của bạn.
Việc tham gia các hoạt động có tính chất xã hội như làm từ thiện, tài trợ… cũng có thể giúp hình ảnh của doanh nghiệp bạn được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng.
Ngoài ra, bạn cần đánh giá đúng tính chất và vai trò của các buổi giao lưu, họp mặt, tiệc xã giao mà chủ động tham dự để mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, tìm được những thông tin hữu ích cho công việc hoặc may mắn hơn là gặp được người có cùng mối quan tâm trong kinh doanh, không nên tham gia các buổi giao tế chỉ vì nghe người khác rủ rê.
Làm tốt công việc chuẩn trước khi tiếp xúc
Trước khi tham gia bất cứ sự kiện nào có thể có sự tham dự của các khách hàng tiềm năng, bạn nên tìm hiểu kỹ về những người bạn sẽ tiếp cận, cách giao tiếp sao cho có ấn tượng, cách giới thiệu sản phẩm và dịch vụ một cách trân trọng với họ.
Bạn không những cần trả lời lưu loát các câu hỏi của khách hàng tiềm năng, mà còn phải khéo léo tạo cho họ cảm giác gặp được một chuyên gia thật sự trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh, nhất là khi tiếp cận lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.
Một trong những công cụ hiệu quả nhất trong giao tế nhân sự là tập suy nghĩ cho người khác trước, cho mình sau, bắt đầu câu chuyện theo hướng “Tôi có thể hỗ trợ gì cho anh?” chứ không phải “Anh giúp tôi được gì?”.
Bạn nên thể hiện mối quan tâm của mình với đối tác bằng cách chia sẻ thông tin, mời họ tham dự các sự kiện hữu ích cho công việc hoặc danh tiếng của họ.
Chủ động đột phá trong sự kiện và củng cố mối quan hệ sau sự kiện
Khi đã tham dự sự kiện giao tế thường kỳ, chẳng hạn hội thảo hay mạn đàm về chủ đề kinh tế - xã hội hay công nghệ nào đó, bạn nên đảm bảo tần suất xuất hiện thường xuyên của mình, tạo sự chú ý cho người khác bằng các phân tích, đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy khoa học - công nghệ và sản xuất - kinh doanh.
Ý kiến của bạn có thể sẽ được nhiều người tán thành và trong số đó có một vài người sẽ tìm đến bạn để trao đổi thêm. Rất có thể họ chính là những khách hàng hoặc đối tác tương lai của bạn.
Ngoài ra, sau các buổi giao tế, bạn nên phân loại danh thiếp và đề ra hành động cụ thể cần tiếp tục thực hiện. Đối với các khách hàng tiềm năng, bạn cần gửi ngay thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình để củng cố ngay mối quan hệ ban đầu.
Đối với những người có vai vế trong lĩnh vực nào đó, bạn cần nuôi dưỡng mối quan hệ vì họ có thể là cầu nối đưa bạn đến các hợp đồng kinh doanh trong tương lai gần.
Chiến thuật “Mưa dầm thấm đất”
Chiến thuật này cần thiết để chuyển mối quan hệ từ sơ sơ thành thân thiết. Việc đầu tiên bạn cần làm để nâng tầm mối quan hệ với các đối tác của mình là tìm hiểu họ qua những buổi gặp gỡ thân tình, chân thành giúp đỡ họ, không nên vừa mới quen biết đã vội vàng nhờ vả.
Bạn cần dành thời gian và cả tấm lòng thành để tìm hiểu đối tác, càng chi tiết càng tốt, nhất là về công việc và các sở thích cá nhân của họ. Khi chuyện trò, trao đổi, hãy đặt những câu hỏi về mục tiêu cuộc sống, khát vọng nghề nghiệp, các mối quan tâm hàng đầu...
Càng có nhiều thông tin và chia sẻ được nhiều điểm chung với họ thì nền tảng của mối quan hệ mà bạn xây dựng được càng vững chắc. Khi đó, cơ hội hợp tác trong kinh doanh giữa hai bên càng nhiều hơn và cũng khả thi hơn.